Theo các chuyên gia lĩnh vực vàng, một khi thương chiến Mỹ – Trung chưa ngã ngũ thì vàng vẫn được xem là tài sản trú ẩn an toàn. Đó cũng chính là lý do để các Quỹ đầu tư vàng lớn trên thế giới và các Ngân hàng Trung ương trên thế giới tăng mua vàng thời gian gần đây.
Quỹ đầu tư vàng lớn thế giới SPDR đã tiếp tục mua thêm 6,74 tấn vàng, lượng vàng nắm giữ lên 851,91 tấn trong ngày 22/8 vừa qua. Đây là ngày thứ 9 kể từ đầu tháng 8 đến nay quỹ này thực hiện mua vào với khối lượng 46,05 tấn vàng, 3 ngày bán ra 17,56 tấn, lượng vàng mua ròng của SPDR lên 28,49 tấn. Quỹ đầu tư SPDR mua vàng khi giá xoay quanh mức 1.500 USD/ounce những ngày qua.
Còn theo dữ liệu mới nhất từ Hội đồng vàng thế giới (WGC), Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang ra sức nắm giữ vàng trong quý II/2019, khi mua tổng cộng 224 tấn vàng. Trữ lượng vàng chính thức tại các ngân hàng trung ương đã tăng 374,1 tấn trong nửa đầu năm 2019.
Báo cáo cũng cho biết, nhu cầu vàng toàn cầu đạt 1.123 tấn trong quý II/2019, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong nửa đầu năm 2019, nhu cầu vàng vật chất tăng 2.182 tấn, mức cao nhất trong 3 năm qua.
Điều này phần lớn đến từ sức cầu tăng mạnh tại các thị trường lớn như: Ấn Độ, Trung Quốc. Trong khi đó, các quỹ ETFđã mua vào tới 67,2 tấn trong quý II/2019, tăng 99% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, WGC cho biết, kết thúc quý II/2019, tổng lượng nắm giữ ở mức 2.548 tấn, đạt mức cao nhất trong sáu năm qua. Sự bất ổn về địa chính trị, chiến tranh thương mại và bình luận chính sách tiền tệ ôn hòa của các ngân hàng thương mại cũng như giá vàng tăng mạnh là một trong những yếu tố chính thúc đẩy các nhà đầu tư tăng tỷ lệ nắm giữ vàng trong danh mục của mình.
WGC cũng nhấn mạnh hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường vàng đến từ giới đầu tư châu Âu và Hoa Kỳ dẫn đầu thị trường vàng. Trong đó, các quỹ đầu tư của Hoa Mỹ chiếm tới 75% trong tổng số lượng giao dịch vàng toàn cầu trong quý II/2019.
Từ thực tế trên cho thấy, cầu vàng tăng thời gian qua chủ yếu do các ngân hàng Trung ương thế giới tăng mua.
Trong thời gian qua lực mua vàng của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) được đánh giá là một trong những quốc gia tiêu thụ vàng số lượng lớn.
Năm ngoái, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhập khẩu khoảng 1.800 tấn vàng, nhưng theo các nguồn tin thì năm nay họ dự tính nhập khoảng phân nữa số trên. Quả thực, để vàng đạt được mức tăng giá lớn hiện nay, đồng USD đã phải giảm khá mạnh để đối phó với sự mất giá của đồng CNY trong thời gian qua.
Theo đánh giá của một chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực vàng, khả năng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ không tăng mua nhiều vàng thời gian tới. Bởi họ không muốn đồng nội tệ của họ phụ thuộc vào đồng USD và mất quá nhiều USD cho việc tăng mua vàng.
Trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 575 tấn vàng, giảm gần 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc hạn chế nhập khẩu vàng nhằm giảm tình trạng chảy ngoại tệ, góp phần hỗ trợ cho đồng Nhân dân tệ – vốn đang chịu sức ép từ cuộc thương chiến Mỹ – Trung. Điều này khiến các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu vàng vật chất sẽ giảm mạnh.
Việc Trung Quốc tuyên bố áp thuế 75 tỷ USD hàng nhập từ Mỹ cuối tuần qua để đáp trả đòn đánh thuế lên 300 tỷ USD của Mỹ kể từ ngày 1/9/2019 tới đã làm cho cuộc chiến thương mại giữa hai nước càng thêm căng thẳng. Sau tuyên bố từ phía Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đòn công bố tăng thêm thuế 250 tỉ USD hàng của Trung Quốc vào nước này. Thương chiến Mỹ – Trung Quốc leo thang những ngày cuối tuần qua và đầu tuần này đã làm thị trường “nín thở” chờ động thái từ PBoC.
Ngày 27/8, PBoC tiếp tục điều chỉnh giảm giá nhân dân tệ (CNY), theo đó 7,081 CNY đổi được một USD. Trong 3 tuần qua, Trung Quốc liên tục phá giá CNY nhằm hỗ trợ hàng hóa nước này xuất khẩu ra thị trường thế giới, đặc biệt vào Mỹ được rẻ hơn, bù lại ảnh hưởng của thuế quan.
Đối với thị trường vàng Việt Nam, sức mua có tăng song không đột biến. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng trong sáng ngày 27/8, vàng có giá 42,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn 600 ngàn đồng so với vàng trong nước.
Lực mua vàng trong nước thời gian gần đây khi mặt hàng kim quý này cao giá cũng có dấu hiệu tăng hơn so với bán ra. Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Thái Lan, Indeonesia và Việt Nam cho biết, một khi vàng có giá thì sức hút không chỉ đối với nhà đầu tư, đầu cơ trên thị trường thế giới mà với cả nhà đầu tư trong nước cũng không đúng ngoài cuộc.
Thực tế, vàng đã theo xu hướng đà tăng nhiều hơn giảm trong nửa đầu năm nay và theo thống kê giá vàng đã tăng gần 20% tính từ đầu năm 2019 đến nay.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGB) cũng đưa ra nhận định, vàng sẽ còn cơ hội tăng khi thương chiến Mỹ – Trung chưa lắng dịu và Cục dự trữ liêng bang Mỹ (Fed) khả năng hạ thêm lãi suất.
Tuy nhiên, theo ông Hải, với nhà đầu tư trong nước, nhất là các nhà đầu tư nhỏ, lẻ cũng nên chia nhỏ khoản tiền đầu tư vào các kênh khác nhau, tức không nên bỏ trứng vào một giỏ.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (World Bank), môi trường kinh doanh Việt Nam có nhiều khởi sắc song cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Trong bối cảnh thương mại Việt Nam có độ mở cao, dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ hạn chế, những ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới dễ tác động đến kinh tế Việt Nam.
Với những diễn biến khó lường trên thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư nên lựa chọn các kênh đầu tư một cách cẩn trọng.
Theo Báo Đầu tư